Với một thí nghiệm với nhịp sinh học dài cả một đời người, Sothern, giờ đã 69 tuổi, đang cố gắng chứng thực hoặc bác bỏ một niềm tin rất phổ biến: Rất nhiều người cảm thấy rằng càng nhiều tuổi, thời gian trôi qua càng nhanh hơn.
Cho tới giờ, Sothern vẫn chưa đi tới đâu cả. Tất nhiên là vẫn có lúc, theo như đo đạc của mình, thời gian dường như nhanh lên khi ông chạm ngưỡng tuổi 70. “Tôi giờ có xu hướng ước lượng một phút lớn hơn nhiều so với trước đây,” ông nói. Nhưng trước đó, ông cũng đã từng gặp tình trạng tương tự - ước lượng lố quá nhiều – vào những năm 1990, ông chỉ đếm chính xác vào khoảng những năm 2000. “Ước lượng thời gian rõ ràng không phải là khoa học hoàn hảo,” ông nói.
Điều này cũng giống với những gì các nhà nghiên cứu khác thấy được. Có rất ít bằng chứng khoa học gợi ý rằng nhận thức về thời gian của ta thay đổi khi ta già đi. Thế nhưng, ta vẫn luôn luôn nói rằng quá khứ trải qua lâu hơn – và thời gian vẫn luôn trôi nhanh hơn khi ta già đi. Vậy rốt cục điều này là sao?
Đã có những bằng chứng đáng kể về việc thời gian chẳng hề nhanh lên khi ta già đi
Cũng không có nhiều cách khác nhau để nghiên cứu về cách ta nhận thức về thời gian. Các nhà khoa học có thể xem xét việc ước lượng thời gian, hay khả năng ước lượng một phút trôi qua, sau đó so sánh với đồng hồ. (Đây chính là điều Sothern đang làm.) Họ cũng có thể nhìn vào việc nhận thức thời gian, hay cảm giác thời gian đang trôi nhanh hay chậm lại. Cuối cùng là quan điểm về thời gian, ý thức về quá khứ, hiện tại và tương lai được gây dựng nên từ ký ức của chúng ta.
Điều mà các nhà nghiên cứu tìm thấy là trong khi ước lượng thời gian và nhận thức về thời gian không thay đổi nhiều khi ta già đi, quan điểm về thời gian có thay đổi. Nói cách khác: Ký ức của chúng ta tạo ra ảo giác rằng thời gian đang tăng tốc.
Khả năng ước lượng một phút dài bao lâu dường như không thay đổi theo năm tháng. Năm 2005, các nhà nghiên cứu tại Đại học Florida và Cao đẳng Westfield State đã tiến hành một phiên bản khác của thí nghiệm ước lượng của Sothern. Tuần tự, họ đưa 100 người tham gia với độ tuổi từ 20 đến 69 vào trong một phòng thì nghiệm tối om và chỉ có một bộ bàn ghế và đồng hồ bấm giờ. Cũng như Sothern, những người tham gia đã được yêu cầu dự đoán độ dài của các khoảng thời gian khác nhau.
Kết quả thu được? Chẳng có nhiều sự khác biệt giữa già và trẻ. “Tuổi tác không cho thấy sự ảnh hưởng có hệ thống tới nhận thức về sự trôi qua của một khoảng thời gian ngắn,” các tác giả đã viết. (Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại tìm thấy việc đàn ông thường ước lượng quá thời gian, còn phụ nữ thì ngược lại, có lẽ nguyên nhân là do sự khác nhau giữa đồng hồ sinh học và tỉ lệ trao đổi chất.)
Nhưng đồng hồ bấm giờ cũng chẳng nói lên được điều gì. Sau cùng, ta không phải chỉ quan tâm mỗi việc nhận thức của ta về việc mất bao lâu để pha xong cà phê thay đổi như thế nào theo thời gian. Ta còn muốn biết rằng liệu những sự kiện xảy ra qua năm tháng có thực sự qua nhanh đến vậy.
Bởi bậy, để có được ý thức của một cá nhân về nhận thức thời gian, các nhà nghiên cứu chỉ có thể dựa vào các cuộc điều tra. Vào năm 2005, các nhà nghiên cứu tại Munich đã hỏi 499 người từ 14 tới 94 tuổi một loạt câu hỏi về việc họ cảm nhận thế nào về thời gian đã trôi qua, ví dụ như, “Tuần (tháng, năm, thập kỷ) vừa rồi với bạn trôi qua nhanh như thế nào?” và “Thời gian của bạn trôi qua nhanh như thế nào?”
Và tại đây, tuổi tác cũng chẳng thành vấn đề. Người già hơn cũng chẳng hề nhận thức thời gian trôi qua nhanh hơn người trẻ là bao. Câu hỏi duy nhất mang lại sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê là, “Thập kỷ vừa rồi trôi qua nhanh như thế nào?” Ngay cả với câu hỏi này, sự khác biệt trong kết quả cũng rất nhỏ, và hiệu ứng dường như chững lại vào khoảng 50 tuổi.
Nhìn lại những nghiên cứu tương tự và tự tiến hành tại hai quốc gia riêng biệt (và với tổng cộng 1865 đối tượng), nhà tâm lý học William Friedman và Steve Janssen đã thấy được những bằng chứng hiếm hoi về những trải nghiễm chủ quan về việc thời gian nhanh hơn cùng tuổi tác. Họ đã viết trong báo cáo năm 2009 của mình, “Chúng tôi có thể kết luận rằng khi người trưởng thành nói về ấn tượng chung của họ về tốc độ của thời gian, khác biệt giữa tuổi tác là rất nhỏ.”
Vậy tại sao vẫn có rất nhiều người cảm thấy thời gian như đang trôi nhanh hơn?
Tuy nhiên, họ lại tìm ra một sự khác biệt. Khi người ta nhìn lại cuộc đời mình, họ cảm thấy những năm trước đây trôi qua rất chậm và những năm sau này trải qua nhanh hơn. Điều này có thể là nguồn gốc của niềm tin trong việc thời gian trôi nhanh cùng tuổi tác.
Nhưng vì sao lại có thể như vậy khi ước lượng và nhận thức về thời gian của chúng ta chẳng hề thay đổi chút nào? Có thể rằng những người tham gia đơn giản bị hướng theo những tri thức thông thường (không chính xác) – họ nói rằng những năm sau này trôi qua nhanh hơn bởi vì đó là những gì người ta nói ngày qua ngày rằng nó sẽ phải như vậy.
Một giả thuyết khác rằng đó là một ảo tưởng, ta đã bị tâm trí mình lừa rằng những năm tháng sau này đi qua nhanh hơn. “Hầu hết mọi người đều cảm thấy so với quá khứ thì thời gian hiện tại trôi nhanh hơn nhiều,” Janssen viết trong email của mình. “Họ đã quên mất việc mình trải nghiệm những khoảng thời gian như thế nào trong quá khứ.”
Trong báo cáo năm 2009 của họ, Friedman và Janssen đã vạch ra một vài giả thuyết cho lí do vì sao ký ức của ta lại khiến cho ta nghĩ rằng thời gian đang ngày càng tăng tốc:
1. Những trải nghiệm lạ thường sẽ được ghi nhớ rõ ràng hơn – và khi ta già đi, chúng cũng ngày càng ít đi
Giả định phía sau giả thuyết này, Friedman và Janssen đã viết, rằng “con người đánh giá độ dài của khoảng thời gian đã qua…bằng việc có bao nhiêu sự kiện có thể được nhớ lại trong khoảng thời gian đó.” Chúng ta dùng những sự kiện đặc biệt như những cột mốc để đánh giá những khoảng thời gian. Càng ít sự kiện, ta sẽ càng thấy thời gian trôi nhanh hơn.
Tuổi thơ luôn chứa đầy những khoảnh khắc đáng nhớ như tập đạp xe hay gặp gỡ người bạn đầu tiên. Ngược tại, cuộc sống trưởng thành trở nên bình thường và máy móc hơn, và lặng lẽ trôi qua. William James, một nhà tâm lý học tại thế kỷ 19, đã diễn đạt ý tưởng trên bằng định nghĩa vừa đẹp đẽ mà ảm đạm này:
“Mỗi năm trôi qua đều biến đổi một vài những trải nghiệm này thành những thói quen mặc định mà ta rất khó để nhận ra, ngày và tuần tự trôi tuột trong hồi ức, và năm tháng dần trống rỗng và sụp đổ”
Mỗi phút mới đều đại diện cho một mảnh nhỏ trong cuộc đời chúng ta. Một ngày của một đứa trẻ 10 tuổi đại diện cho khoảng 0,027 phần trăm cuộc đời của đứa trẻ. Một ngày đối với 60 tuổi? 0,0045 phần trăm. Cuộc đời đứa trẻ dường như… lớn hơn nhiều.
Hơn nữa, khả năng gợi nhớ sự kiện của ta giảm dần theo tuổi tác. Nếu ta chẳng thể nhớ nổi một thời điểm, nó vốn dĩ không xảy ra.
2. Thời gian trôi nhanh khi ta trở nên bận rộn và phân tâm – và người lớn thì rõ ràng bận bịu hơn trẻ nhỏ
Một khả năng khác là việc trở nên bận rộn có thể bằng cách nào đó đưa trí nhớ của ta vào một cảm giác rằng thời gian đang trôi nhanh hơn. “Những việc yêu cầu một lượng đáng kể sự tập trung sẽ cảm thấy nhanh hơn là những việc không yêu cầu,” Friedman và Janssen giải thích. Khi chúng ta lớn lên, những việc này – công việc sự nghiệp, nuôi dạy con trẻ… - tăng lên.
Và với người trưởng thành, ta luôn cảm thấy chẳng bao giờ có đủ thời gian để làm việc – mà bộ não sẽ hiểu thành thời gian đang nhanh hơn. “Việc không có đủ thời gian để hoàn thành công việc có thể bị hiểu lại thành cảm giác thời gian trôi qua rất nhanh,” họ viết. Hạn chót luôn tới sớm hơn chúng ta tưởng.
3. Những sự kiện cực kỳ đáng nhớ thường xảy ra xa hơn là những gì ta thấy
Chẳng lạ gì chuyện bạn từng thấy một bài post trên Facebook kiểu như, “Muốn cảm thấy già cỗi? Đứa trẻ trên bìa đĩa Nevermind của Nirvana giờ đã 80 tuổi rồi đấy.” Những thứ như vậy có thể khiến ta lo sợ vô cùng, khiến ta cảm thấy thời gian trôi quá nhanh so với những gì ta tưởng.
Các nhà tâm lý học từ lâu đã tìm hiểu một hiện tương tên là “hiệu ứng kính viễn vọng” – xu hướng ước lượng thiếu về việc một sự kiện đáng nhớ đã xảy ra cách đây bao lâu. “Bởi ta luôn biết ký ức đó sẽ phai mờ dần theo thời gian, ta dùng sự rõ ràng của một ký ức như một đường dẫn tới sự gần đây của nó,” nhà văn khoa học Claudia Hammond đã viết trong cuốn sách của mình Time Warped. “Bởi vậy nếu một ký ức trở nên nhạt nhòa ta sẽ cho rằng nó đã xảy ra cách đây rất lâu.” Và ta sẽ cảm thấy những ký ức rõ ràng sẽ gần hơn nhiều.
Nếu những ký ức rõ ràng tạo nên những dòng thời gian của mỗi người, thì những gì ta nhớ chính xác dường như sẽ cảm thấy gần hơn so với sự thực. Nhận ra điều này sẽ khiến cho ta cảm thấy thời gian ngày càng trôi nhanh hơn vậy.
Muốn cảm thấy thời gian chậm lại? Hãy tận dụng nó một cách tối đa
Nếu trí nhớ của ta có thể khiến ta nghĩ rằng thời gian trôi nhanh hơn, thì có lẽ cũng sẽ có cách để khiến bộ não của ta nghĩ rằng thời gian đang chậm lại – như việc phá vỡ thói quen hằng ngày hay học những điều mới. Nhiều khả năng bạn sẽ ghi nhớ chuyện học nhảy dù hơn là chuyện ngồi xem TV thêm một tiếng vô bổ nữa. Hít một hơi dài và nói , “Batman Begins đã ra mắt được 10 năm rồi đấy, thì sao, chả có vấn đề gì cả.”
Sothern nói rằng khi ông nhìn lại vào dữ liệu ông đã thu thập được, ông có thể trân trọng tất cả khoảng thời gian mà mình được dành cho. “Tôi nhận thức rất cao về các thời kỳ,” ông nói. “Bởi khi có môt nhịp điệu nhất định, nó mới cho ta thấy rằng mình đang sống.”
Theo Genk